Cả thế giới sẽ được xem "Trận đấu của năm". Cả Djokovic và Nadal đã cùng vượt qua vòng bốn để gặp nhau ở tứ kết Roland Garros 2015.
Djokovic nhẹ nhàng vượt qua Gasquet khi chỉ mất đúng sáu game. Nadal vất vả hơn, lần đầu tiên thua một set từ đầu giải nhưng vẫn kiểm soát được Jack Sock để cả sự nghiệp của anh vẫn chưa thua một tay vợt người Mỹ nào trên sân đất nện.
Nhưng tại sao lại gọi nó là "Trận đấu của năm" khi mà họ đã từng gặp nhau ở bán kết Monte Carlo mà Djokovic đã dễ dàng đánh bại Nadal 6-3 6-3 và sau đó lên ngôi vô địch, và thế giới tennis vẫn còn hai Grand Slam nữa và có thể còn bao cuộc đấu khác?
Rất giản đơn, họ là hai tay vợt xuất sắc nhất, giành tới 15/21 Grand Slam kể từ 2010. Riêng Nadal là 8, còn Djokovic là 7. Đều nhiều hơn tất cả các nhà vô địch khác gộp lại, trong đó Federer và Murray cùng hai lần.
Và Roland Garros là một giải đấu đặc biệt. Hoặc cũng có thể nói Nadal làm cho giải đấu này trở nên đặc biệt với thành tích kỳ vĩ nhất trong lịch sử thể thao thế giới (chứ không chỉ riêng tennis) khi chín lần vô địch trong tổng số 10 lần tranh tài. Không có sự thống trị nào vĩ đại hơn thế cả. Và nếu có lần thứ mười, ai dám chắc là kỷ lục ấy sẽ không tồn tại tới hàng thế kỷ?
Còn Djokovic, có thể rằng ý nghĩa của giải đấu này với anh là nhỏ bé khi khi so với Nadal. Vì anh chưa một lần đăng quang ở đây (dù đã có hai lần vào chung kết). Nhưng có một thành tựu khác mà Djokovic hướng tới nó cũng là một trong những điều vĩ đại của thế giới tennis: Hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu ở cả bốn giải Grand Slam – điều mới chỉ có ba người làm được suốt 45 năm qua là Agassi, Nadal và Federer.
Xứng đáng trận đấu của năm |
Djokovic vẫn xuất sắc
Trước giải, không cần phải có một cuộc thống kê chúng ta cũng thấy những người dự đoán Djokovic thành công trong việc hoàn tất bộ sưu tập nhiều hơn những người cho rằng anh sẽ thất bại. Djokovic cho tới lúc này vẫn đang cho thấy có vẻ số đông sẽ đúng, vì anh tiếp tục thể hiện phong độ cực tốt.
Djokovic chưa thua set đấu nào sau bốn vòng. Anh chỉ mất 36 game, trung bình chín game mỗi trận. Thực hiện được 17 cú ace và mới chỉ hai lần mắc lỗi kép (trong hai trận gần nhất không mắc lỗi nào!).
Giao bóng chính là chìa khoá mở ra những trận đấu một chiều cho Djokovic. Ngay cả trận đấu với Gasquet có tỉ lệ giao bóng 1 ăn điểm thấp nhất cũng là 69% và cao nhất là ở vòng 2 và 3 với Kokkinakis và Gilles Muller đều 84%. Và tỉ lệ giao bóng hai qua các vòng lần lượt là 59, 65, 67, 68% trong khi khoảng 55% đã được coi là tỉ lệ lý tưởng của tennis đỉnh cao.
Cái cách Djokovic đánh bại đối thủ trong các cuộc chiến tâm lý cũng rất quen thuộc: Anh buộc Nieminem đầu hàng sau đường bóng kéo dài ở cuối set hai khi đang bị dẫn 3-5, để sau đó thắng 7-5 rồi set 3 chỉ còn là thủ tục.
Ở trận đấu vòng 4, Djokovic hoàn toàn đánh gục Gasquet sau ba game đầu kéo dài 25 phút. Gasquet nỗ lực tối đa và được sự ủng hộ lớn từ khán giả nhà đã gây ra khá nhiều khó khăn, nhưng khi anh đã vượt ngưỡng mà vẫn không thể làm Djokovic phải lung lay thì Gasquet đầu hàng và phần còn lại của trận đấu không còn nhiều kịch tính nữa.
Nadal thực thụ đang trở lại
Để "Trận đấu của Năm" không trở nên thất vọng, không phải là màn trình diễn một chiều của Djokovic thì Nadal phải phần nào trở lại được với phong độ đỉnh cao.
Có vẻ như Nadal thực thụ đang trở lại ở Roland Garros, nơi anh thường chơi thứ tennis đặc trưng nhất của mình.
Khi Nadal tung ra cú thuận tay dọc dây giành điểm trực tiếp trước Kuznetsov ở vòng ba, máy tính đo được độ xoáy của cú đánh là hơn 4700 vòng/phút.
4700 vòng/phút không phải là con số khô khan. Nó gần chạm lại ngưỡng cao nhất của Nadal cách đây chừng 6 năm mà John Yandell, một chuyên gia phân tích thông số kỹ thuật tennis, đo được là 4900 vòng/phút.
Cũng xin mở ngoặc ở đây là Federer, người đứng thứ hai về bóng xoáy cũng đã có được những chỉ số tích cực ở Roland Garros 2015: Một cú thuận tay của anh ở trận đấu với Monfils có độ xoáy lên tới 4100 vòng/phút.
Khi Nadal tạo ra được các cú thuận tay có độ xoáy khủng khiếp như thế, anh có thể huỷ diệt bất cứ đối thủ nào trên mặt sân đất nện chuẩn mực ở Roland Garros.
Một chỉ số khác ghi nhận được từ bốn trận đấu đã qua cũng có thể coi là bằng chứng cho thấy mọi người đang được xem một Nadal đang có phong độ tốt: Các cú giao bóng một thường dao động trong khoảng tốc độ 180-200 kmh. Cao nhất là khoảng 202 kmh.
Trận đấu với Jack Sock là thời điểm Nadal giao bóng không tốt nhất, nhưng tốc độ trung bình của cả bóng 1 và 2 cộng lại cũng cao hơn (dù chỉ là 1 kmh) so với đối thủ (cần nhớ Sock rất trẻ và là một tay vợt Mỹ điển hình).
Trong cách chơi của Nadal, khi anh giao bóng tốt, nó sẽ giống như việc khơi thông được mạch hưng phấn, giúp anh trở nên tự tin hơn (do không còn lo lắng về việc đối thủ sẽ trả giao bóng khó và tự mất điểm).
Có một chỉ số sau bốn trận đấu tưởng là đáng ngại nhưng cũng là một tín hiệu tích cực: Anh thường phải di chuyển nhiều hơn đối thủ.
Trận đấu với Sock cũng thế, Nadal phải chạy bình quân 14,88m mỗi điểm trong khi Sock di chuyển bình quân 14,58m. Tỉ lệ của Djokovic trong trận đấu với Gasquet còn chưa tới 10m.
Nói tích cực là ở chỗ: Nadal có bộ chân nhanh nhất thế giới tennis đương đại (và có thể là cả lịch sử), nên anh thường dùng kỹ thuật né trái đánh phải (đòi hỏi phải di chuyển thêm vài bước chân nhỏ, cũng như tốc độ di chuyển nhanh hơn) trong những tình huống mà nhiều tay vợt chỉ kịp đánh trái.
Djokovic khao khát phục thù Nadal
Vĩ đại
Sự trở lại của Nadal cho thấy sự cảnh báo của Federer trước khi giải bắt đầu đã đúng, rằng không thể coi thường một người ở giải đấu mà anh ta đã chín lần vô địch trong mười năm ở đó.
Sự nỗ lực của Nadal cũng cho thấy sự thán phục của Sharapova dành cho Nadal vì sau ngần ấy vinh quang mà anh vẫn đầy khát khao là chuẩn xác. Trận thắng trước Sock là chiến thắng thứ 70 sau 71 trận qua một thập kỷ.
Roland Garros luôn là giải đấu đặc biệt, bởi Nadal như được sinh ra cho giải đấu hơn trăm năm tuổi này.
Nadal sinh ngày 3-6 29 năm về trước. Trận đấu của năm vậy là đúng ngày sinh nhật của Nadal.
Roland Garros cũng là đặc biệt cho cặp đấu đã có cả thảy 43 lần đối đầu (kỷ lục của tennis thế giới, Nadal thắng 23) mà sự khởi nguồn của nó là khi Nadal và Djokovic gặp nhau ở chính nơi đây, tại tứ kết năm 2006. Nadal đã thắng và sau đó vô địch (lần thứ hai ở Roland Garros) sau khi Djokovic bỏ cuộc sau set 2.
Kể từ đó tới nay, Nadal đã sáu lần đánh bại Djokovic ở Roland Garros trong đó có ba lần ở bán kết và hai lần ở chung kết.
Bởi thế, dù thắng hay bại, Nadal vẫn vĩ đại!
Nguồn: 24h.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét